Добавил:
Опубликованный материал нарушает ваши авторские права? Сообщите нам.
Вуз: Предмет: Файл:
thuvienpdf.comtriet-hoc-kant.pdf
Скачиваний:
94
Добавлен:
12.05.2022
Размер:
2.66 Mб
Скачать

thiên của Kant có nghĩa là: đã là người thì ai cũng có khả năng nhận định về luận lý một cách đúng, nếu là phán đoán theo lý trí và không theo sự xúi giục của tâm tình. Và bây giờ chúng ta mới thấy ý nghĩa sâu xa câu nói của Kant trên kia, “ở trần gian này, và cả ngoài trần gian, không gì đáng gọi là thiện thực sự, trừ thiện chí". Như vậy, với “sự kiện của lý trí” tức kinh nghiệm ta có về quy luật tuyệt đối của ý thức đạo đức trong lòng mỗi người, chúng ta có một kinh nghiệm về tuyệt đối rồi đó, tức kinh nghiệm về những gì không bị điều kiện bởi những hoàn cảnh. Chú giải về sự kiện lý trí, Alquié viết một câu ý vị: “Như tôi đã nhắc nhiều lần, từ ngữ “sự kiện lý trí” không ám chỉ một sự kiện thường nghiệm nào hết, nhưng diễn tả sự hiện diện thực sự của quy luật đạo đức ở trong ta”[210].

TIẾT II: KANT PHÊ BÌNH NHỮNG HỌC THUYẾT ĐẠO ĐỨC XÂY TRÊN THƯỜNG NGHIỆM

Công việc phê bình này Kant đã thể hiện cả nơi cuốn Những nền tảng khoa siêu hình học về luân thường và nơi cuốn Phê bình lý trí thực hành. Mục đích của ông là làm sáng tỏ lập trường đạo đức thuần túy của ông, một nền đạo đức xây dựng hoàn toàn trên lý trí như ta vừa thấy ông xướng xuất trên đây.

Kant lên án những học thuyết đạo đức thường nghiệm như sau: “Nếu ngó vào những khảo luận về đạo đức được viết ra theo thị hiếu của quần chúng, ta sẽ thấy khi thì người ta nói đến cứu cánh riêng biệt của bản tính con người, khi lại bàn đến quan niệm bản tính lý trí nói chung, rồi họ đề cập đến đủ thứ, nào là sự trọn hảo, nào là hạnh phúc, rồi tâm tình đạo đức, sự kính sợ Thượng Đế, một tí cái này một tí cái kia, thực là một sự pha trộn kỳ khôi” [211]. Nếu con người là con vật duy nhất có lý trí, thì sinh hoạt đạo đức, tức sinh hoạt đặc biệt của con người, phải được xác định hoàn toàn do lý trí, không được dựa dẫm vào những cái gọi là thường nghiệm. Mà những nguyên tắc thường nghiệm đây là gì? Là tự ái, là tình cảm và tư lợi, Kant phân biệt hai loại nguyên tắc có thể ảnh hưởng đến sự quyết định của ý chí: loại thứ nhất nằm trong cảm giác tính của ta, và loại thứ hai là lý trí ta. Cảm giác có tính chất chủ quan, riêng tư, vị kỷ, còn lý trí thì ngay thẳng và minh chính. “Cảm tình riêng tư, thích hay không thích của từng người, thường chỉ cho mỗi người người biết đâu là hạnh phúc của mình, nhưng ngay nơi cùng một người, những tình cảm nào cũng thay đổi theo hoàn cảnh và nhu cầu: bởi vậy một quy luật mà chủ quan cho là nhất thiết, thì khách quan mà xét lại không nhất thiết, hơn nữa luật đó còn đổi thay tùy theo mỗi người... Như vậy, những quy luật xây dựng trên những nguyên tắc đó không thể được là quy luật phổ thông” [212]. Vậy chỉ minh lý trí thuần túy thực hành, tức lý trí đạo đức, mới là nền tảng đích thực của quy luật đạo đức ; nói cách khác, chỉ ý chí thuần túy, ý chí quyết định hoàn toàn do hình thức của lương tri tuyệt đối, mới thực sự hướng dẫn ta tới những quyết đoán đạo đức ngay thẳng.

Sự phê bình của Kant đối với những học thuyết xây đạo đức trên những nền tảng thường nghiệm được trình bày một cách rất mạch lạc: trước hết ông bàn về vai trò của cảm giác và của lý trí trong sự phán đoán của con người, - sau đó ông đưa ra trường hợp Epicure, một triết gia lấy hạnh phúc làm nền tảng cho đạo đức, - sau cùng ông vạch trần những pha trộn ám muội giữa tình cảm và lý trí, và ông coi đó là một hiểm họa cho nền đạo đức.

A.— Bàn về vai trò riêng biệt của hai khả năng, cảm giác và lý trí, Kant viết: “Nếu tạo thành những hữu thể có lý trí và có ý chí, Tạo Hóa không có mục đích nào khác ngoài sự an toàn và hạnh phúc của những hữu thể này, thì phải nói rằng Tạo Hóa đã tính toán sai khi trao cho lý trí con người đảm nhận những mục tiêu kia. Thực vậy, để hướng dẫn hành động con người trong việc thực hiện an toàn và hạnh phúc, nhất định bản năng sẽ cố vấn cho con người một cách đích đáng hơn và mục tiêu sẽ đạt được cách chắc chắn hơn là khi con người theo sự hướng dẫn của lý trí” [213]. Hạnh phúc thuộc lãnh vực tình cảm và cảm giác, cho nên giả thử mục đích của con người là hạnh phúc, chắc Tạo Hóa không ban thêm lý trí cho con người làm chi thêm rắc rối mà lại không được việc, bởi vì bản năng có khả năng tìm hạnh phúc một cách chắc chắn và giản dị hơn. Thế nhưng Tạo Hóa lại ban thêm lý trí cho con người, đồng thời trao quyền tối thượng cho lý trí trong việc quyết định về hành vi con người. Con người là con vật duy nhất có lý trí, linh hơn vạn vật.

Nếu không là hạnh phúc, thì mục đích cuộc đời là gì? Kant trả lời: “Nếu lý trí không thể hướng dẫn ý chí một cách chắc chắn trong việc tìm kiếm những đối tượng khả dĩ thỏa mãn những nhu cầu của ta, - và nếu bản năng tự nhiên có khả năng hướng dẫn ta một cách chắc chắn trong việc đạt tới chủ đích kia, thì chúng ta phải công nhận rằng dụng đích (destination) đích thực của lý trí là tạo nên một ý chí tự nó có bản chất tốt lành, chứ không tốt để làm phương tiện thực hiện những mục tiêu khác” [214]. Nói lý trí phải tạo nên một ý chí tự nó tốt lành có nghĩa là lý trí phải làm nên thiện chí, phải giúp ý chí biết đâu là thiện đâu là ác một cách tuyệt đối, bất luận hành vi của ta sẽ sinh hạnh phúc hay đau khổ cho ta. Nhân đó, Kant phân biệt thế nào là hành động theo bổn phận (coníbrmément au devoir) và thế nào là hành động vì bổn phận

(par devoir): người tốt là người hành động vì bổn phận, bởi vì ý thức rõ ràng về điều mình phải làm, chứ mình không làm vì theo ý người khác, hoặc làm vì sợ dư luận. Kant đưa ra mấy tỉ dụ: chủ tiệm buôn không ăn lãi quá đáng, thì được coi là lương thiện, nhưng sự lương thiện này có thể do óc trục lợi, chứ không do yếu tố luận lý nào hết. Tỉ dụ thứ hai: mỗi người có bổn phận bảo toàn tính mạng mình. Khi mọi sự an vui, thì bổn phận này có vẻ là theo bổn phận; nhưng khi nghịch cảnh và đau khổ tràn ngập cuộc đời và ta muốn tự tử, nhưng đồng thời lại ý thức rằng mình có bổn phận bảo toàn sự sống: khi đó nếu bỏ ý tưởng tử tự để bảo toàn sinh mạng, thì được coi là hành động vì bổn phận. Một tỉ dụ nữa: người ta làm việc từ thiện giúp đồng bào, nhiều khi vì từ tâm, nhưng cũng có khi vì thích được tiếng, hoặc chỉ vì tha nhân coi bộ đáng thương. Những trường hợp như thế, chưa chắc hành động của ta đã là hành vi đạo đức đích thực. Còn như khi chính lòng ta đang buồn bực chán nản, ta lại thấy đương sự không đáng thương về tình cảm, nhưng ta thành tâm ra tay giúp đỡ người đó chỉ vì thấy có bổn phận giúp đồng bào. Hành vi này đáng gọi là đạo đức, vì là hành vi “vì bổn phận” [215].

Hành động nguyên vi bổn phận là hành động theo lý trí. Và đó là hành động đạo đức thực sự. Tất cả nguy hiểm trong lãnh vực đạo đức đều do phía cảm giác và thường nghiệm. Như vậy lập trường của Kant rất rõ rệt: lý trí, và chỉ mình lý trí là khả năng phán đoán đạo đức, và trong việc phán đoán này lý trí phải tuyệt đối gạt bỏ mọi tình cảm và thực nghiệm, nghĩa là không được nhìn vào các đối tượng của hành động, nhưng chỉ nhìn hình thức thuần túy của hành động thôi.

B.- Kant thường nói đến hai khả năng ước muốn, tức hai hình thức của lý trí nơi con người ta: một là khả năng hạ đảng của ý chí dựa vào những tình cảm và cảm giác để quyết định, hai là khả năng thượng đẳng của ý chí dựa vào những phán đoán của lý trí để quyết định. Kant viết “Tất cả các quy tắc thực hành chất thể đều đặt nguyên tắc quyết định của ý chí nơi khả năng ước muốn hạ đẳng, và nếu không có một quy luật hoàn toàn hình thức của ý chí để đủ sức quyết định ý chí, thì ta không thể công nhận có khả năng ước muốn thượng đẳng”[216]. Để chứng minh phần trên của câu dưới đây, ông đưa ra nhận định: nhiều triết gia được coi là sâu sắc mà cũng không biết phân biệt thế nào là khả năng hạ đẳng và thế nào là khả năng thượng đẳng của ý chí. Họ cho rằng hành động theo cảm giác là hạ đẳng và hành động theo trí năng là thượng đẳng. Nhưng, đối với Kant, tất cả các quy tắc thực hành nhắm những đối tượng cụ thể đều bị ông liệt vào loại “những nguyên tắc thực hành chất thể” (règles pratiques matérielles), và bị xếp vào loại hạ đẳng, dầu chúng bắt nguồn nơi cảm giác hay bắt nguồn nai trí năng (vì trí năng là khả năng tiếp nhận những đối tượng thực nghiệm). Chỉ khi những quy tắc hành động của ta bắt nguồn nơi lý trí, ta mới có thể quyết chắc rằng chúng ngay chính và thuộc loại thượng đẳng của ý chí. Giáo sư Deleuze đã khéo tóm tắt ý tưởng của Kant trong một câu: “Khả năng ước muốn có thể có một hình thức thượng đẳng: đó là khi nó không bị chi phối bởi những cảm nghĩ về đối tượng (dầu là đối tượng cảm xúc hay đối tượng tinh thần), nghĩa là khi ý chí không bị chi phối bởi một tình cảm khoái hay khổ liên can đến ý nghĩ về các đối tượng đó: ý chí chỉ là thượng đẳng khi bị chi phối bởi nguyên hình thức của quy luật thôi. Hình thức thuần túy này là hình thức của quy luật phổ thông. Quy luật đạo đức truyền ta phải quan niệm tôn chỉ hành động của ta như nguyên tắc của một pháp chế phổ thông” [217].

Tóm lại khi các phán đoán về hành vi mà có nhắm một đối tượng cụ thể, dầu là đối tượng vật chất hay đối tượng tinh thần, thì đều đáng nghi ngờ là không ngay chính. Trường hợp điển hình là thuyết Epicure, một học thuyết đạo đức lấy hạnh phúc làm tiêu chuẩn hành động. Hạnh phúc do Epicure chủ trương không phải là vui thú nhục dục như nhiều người tưởng lầm, nhưng là sự an vui thư thái. Dầu vậy thuyết Epicure cũng phản đạo đức, vì “nếu công nhận với Epicure rằng nhân đức thuyết phục được ta cũng là vi hạnh phúc mà nhân đức hứa cho ta, thì ta sẽ không có quyền chê trách ông đã coi sự vui thích kia như cùng bản tính với những thỏa thích thô tục nhất của giác quan. Theo sự ta có thể hiểu biết về ông, thì ông đã tìm ra nguồn gốc những biểu tượng về hạnh phúc nơi khả năng thượng tầng của tri thức ; tuy nhiên điều này không tránh cho ông và không thể tránh cho ông nghĩ rằng những vui thú do các biểu tượng kia (mặc dầu những biểu tượng đó có vẻ tinh thần) gây nên, cũng không khác gì các loại thú vui khác: nhờ những thú vui đó mà những biểu tượng kia đã thuyết phục được ý chí” [218]. Như vậy, tất cả mọi thú vui, dầu là thứ vui tỉnh thần của Epicure, đều chung nhau một nguồn gốc là cảm giác. Sở dĩ thế vì mặc dầu nấp sau những hình thức cảm nghĩ và những biểu tượng có vẻ tinh thần đi nữa, nhưng vì những biểu tượng này có nhắm một đối tượng thường nghiệm, mà đối tượng như thế nhất thiết có âm hưởng trên sinh hoạt cảm xúc của ta, cho nên phải coi tất cả những phán đoán đạo đức bị chi phối bởi hạnh phúc như thế là hạ đẳng và thiếu ngay chính.

Để kết thúc phần phê bình các học thuyết xây đạo đức trên tình cảm và hạnh phúc, Kant viết: “Dầu người ta có dùng đến trí năng và lý trí đi nữa, hễ đã lấy hạnh phúc làm nguyên tắc thì, đối với ý chí, nguyên tắc này nhất thiết chỉ gồm những quy tắc hành động bắt nguồn nơi khả năng ước muốn hạ đảng. Bởi vậy, một là phải nhận rằng không có khả năng ước muốn thượng dẳng, hai là phải công nhận rằng lý

trí thuần túy tự nó có thể thực hành, nghĩa là nó không cần đến một tình cảm nào hết, không cần một biểu tượng nào về thích hay không thích, bởi vì những biểu tượng này xét như chúng là chất thể thì sẽ luôn là điều kiện thường nghiệm của những quy tắc: vậy lý trí phải có thể chỉ lấy nguyên hình thức của quy luật thực hành để định đoạt cho ý chí” [219]. c. - Trên đây Kant vừa quả quyết bản chất của khả năng ước muốn thượng đẳng tức bản chất của ý chí đạo đức đích thực, là quyết định theo lý trí thôi, không được cho cảm xúc trí năng tham gia vào bằng bất cứ cách nào: khi ý chí tự quyết định theo lý trí như vậy, thì nó phán quyết theo “hình thức của quy tắc thực hành”, nghĩa là phán quyết một cách tuyệt đối, chứ không nhắm một hoàn cảnh cụ thể nào hết: như vậy nó nói lên bổn phận mà bất cứ ai, tôi hay người thù địch của tôi, đều phải thực hành để xứng là người đạo đức. Như thế ta hiểu tại sao Kant không những chê trách những phán đoán do cảm xúc và tình cảm, và ông còn lên án những phán đoán pha phôi, vừa do lý trí vừa do tình cảm.

Nhớ lại vai trò của mỗi tài năng trong con người, bản năng có chức vụ lo vấn đề sinh tồn cùng là thỏa mãn những xu hướng căn bản của con người, còn lý trí thì lo đến sinh hoạt đạo đức của con người, Kant có lý để tố cáo những phán đoán pha phôi mà ông không ngần ngại gọi là những “luân thường lai” (moeurs bâtardes), còn nguy hiểm hơn cả những thứ luân lý mà ta biết rõ là xấu. Ồng viết: ‘Ý thức về bổn phận, tức ý thức đạo đức, khi không bị nhiễm bởi những sở thích thường nghiệm thì sẽ có một uy quyền vô cùng lớn lao đối với lương tâm con người khi con người biết nhìn vào lý trí: uy quyền này vô cùng lớn hơn những lý do mà người ta có thể gặp trong lãnh vực kinh nghiệm. Đã ý thức được bản chất cao quý của ý thức đạo đức như vậy, tự nhiên chúng ta sẽ khinh bỉ những lý do thường nghiệm kia. Thay vào ý thức đạo đức đó, ta thử đưa ra một học thuyết luân lý có vẻ lai, pha trộn những duyên do của tình cảm và của xu hướng với những ý tưởng của lý trí, tất lòng ta sẽ lưỡng lự giữa những lý do như thế vì lòng ta không thể quy chúng về một nguyên tắc được, rồi những lý do như thế họa may mới đưa ta tới điều thiện, còn thường là đưa tới điều ác” [220].

Tại sao Kant tỏ ra nghiêm khắc với những lý do lây ra từ sinh hoạt thường nghiệm như thế ? Thưa vì những lý do này luôn đậm mùi tự ái tự kỷ. Điều này trở nên nguy hiểm đặc biệt khi người ta pha trộn những phán đoán thuần túy đạo đức của lý trí với những tình cảm của sinh hoạt thường nghiệm, bởi vì người ta sẽ dễ dàng tự lừa dối mình và che đậy những dự tính xấu xa dưới cái vỏ đạo đức. Thà rằng tuyên bố thẳng thắn lấy hạnh phúc và khoái lạc làm tiêu chuẩn như Epicure. Kant cũng ngụ ý đưa ra một lý do nữa: nếu cùng lý trí, ta thêm vào đó những lý do lấy ra từ trong sinh hoạt, ta sẽ rất khó quy các lý do đó về cùng một nguyên tắc ; mà không quy về một nguyên tắc duy nhất, thì không còn có quyết định tuyệt đối, và con người bị rơi vào tình trạng lưỡng lự, rồi có thể dần dà bị lôi vào nẻo xấu. Muốn ngay chính, ta không được tự xét cho mình, đúng như danh ngôn người xưa: “Không ai được làm quan tòa xét việc mình” (Nemo judex in propria causa). Bởi vậy những phán đoán của ta chỉ thực sự và chắc chắn ngay chính khi ta nhìn vào hình thức của quy luật, một quy luật không nội dung cụ thể, áp dụng cho trường hợp của tôi và trường hợp của bất cứ ai, thân hay thù.

Như chúng ta sẽ thấy sau này, Kant quan niệm lý trí thuần túy thực hành là tước hiệu làm người của ta: chính lý trí đạo đức này đặt chúng ta lên trên toàn thể vạn vật trong thiên nhiên cùng với định luật nhân quả tất định của chúng. Trong ý đó, ngay bây giờ ông đã viết: “Chúng ta phải kết luận rằng tất cả các quan niệm đạo đức đều thuần túy tiên thiên, bắt nguồn nơi lý trí, dầu là lý trí bình dân hay lý trí của suy luận là thứ vươn lên cao hơn. Ta không được rút các quan niệm đó từ những tri thức thường nghiệm. Ta không được pha trộn những yếu tố thường nghiệm vào chúng vì sẽ làm giảm mất ảnh hưởng thuần túy và giá trị tuyệt đối của các hành vi. Bởi vậy, không giống như nơi lãnh vực của triết lý lý thuyết là lãnh vực cho phép và còn đòi hỏi các nguyên tắc phải tùy thuộc vào bản tính đặc biệt của con người, còn nơi đây thì các quy lực đạo đức phải được coi là có giá trị cho bất cứ hữu thể nào có lý trí, cho nên ta phải diễn dịch các quy luật đạo đức này từ quan niệm phổ quát ta có về những hữu thể có lý trí nói chung” [221].

TIẾT III: LẬP TRƯỜNG ĐẠO ĐỨC CỦA KANT

Trong khi theo dõi Kant trình bày những vai trò riêng biệt của bản năng và của lý trí, chúng ta đã có thể đoán ông muốn dẫn ta tới đâu. Nếu ông gạt bỏ sự hướng dẫn của cảm giác và chồng lại sự tham gia của trí năng trong việc quyết định những hành vi đạo đức, thì chỉ còn một lối thoát duy nhất cho khoa đạo đức học là coi lý trí như nền tảng tuyệt đối và duy nhất. Tuy mới chỉ là những phác họa do ông đưa ra trong cuốn “Những nền tảng”, nhưng lập trường của ông thực đã rõ rệt và dứt khoát.

Trước hết ông quả quyết lý trí có thể tự nó và một mình nó thuyết phục ý chí, chứ không cần đến những yếu tố kích thích của kinh nghiệm. Sau đó ông trình bày về tính chất của quy chế đạo đức.

Quan niệm nền tảng của Kant về vấn đề đạo đức, trước sau vẫn là: vạn vật trong vũ trụ thuộc loại những thực tại hiện tượng, chúng nhất thiết chịu quyền luật tất định về nhân quả; con người, xét như một động

vật, cũng nằm trong lãnh vực hiện tượng này, nhưng con người còn là một hữu thể có lý trí, cho nên con người là một vật tự thân, nhân đó con người có một sinh hoạt tự do vượt ra ngoài lãnh vực hiện tượng. Ồng viết: “Tất cả các sự vật trong thiên nhiên đều hành động theo những định luật. Chỉ mình hữu thể có lý trí là có khả năng hành động theo những biểu tượng nó có về những định luật, nghĩa là hành động theo những nguyên tắc: cho nên chi mình hữu thể này có tự do”[222]. Sự khác nhau thực là một trời một vực: một bên hành động theo sự thúc đẩy của các định luật trong thiên nhiên, một bên hành động theo ý thức mình có về những định luật. Một bên hành động cách máy móc, nhất tề, tất định; một bên ý thức và suy tính về những gì mình làm và đó là cái Kant gọi là “có ý thức về hành vi của mình” hoặc “có khả năng hành động theo những biểu tượng mình có về những định luật (của thiên nhiên)”. Con người là loài duy nhất có suy tính, vì chỉ con người có biểu tượng về những định luật trong thiên nhiên. Chỉ con người biết hễ mình đặt căn cớ này, nhất định mình sẽ thấy xuất hiện hậu quả kia. Loài vật và trẻ nhỏ không có khả năng dự tính và suy nghĩ như thế. Bởi vậy hành động của con người luôn mang tính chất một sáng tác, một cái gì do dự tính của con người. Và cũng vì thế hành vi của ta là một hành vi tự do và đầy đủ trách nhiệm. Đó là hành vi đạo đức.

Làm sao con người có thể quyết định về hành động của mình một cách tuyệt đối, không cần đến sự thúc đẩy của những năng lực trong thiên nhiên ? Vì con người có khả năng dự tính, dự phòng thấy trước khi những hiện tượng chưa xảy ra. Đó là khả năng biểu tượng được Kant nhắc tới trên đây. Nhưng khi con người đã ý thức về bổn phận phải làm, thì những phán quyết của ý thức đạo đức liền trở thành những “mệnh lệnh tuyệt đối”. Biểu tượng ta có về những nguyên tắc khách quan cưỡng bách ý chí ta thì gọi là mệnh lệnh[223]. Đặc tính của hành vi đạo đức, tức hành vi siêu hình, ở chỗ đó: minh thấy trước việc mình phải làm. Điều phải làm là điều chưa có, nhưng mình ý thức rằng nhất thiết mình phải thực hiện. Cũng nên nhớ tính cách cưỡng bách của quy luật đạo đức không giống với sức cưỡng bách của những định luật trong thiên nhiên: trong thiên nhiên, vạn vật hoạt động nhờ sức thúc đẩy của thiên nhiên ; và như vậy sức của thiên nhiên có trước và bắt vạn vật hành động theo. Ngược lại, nơi lãnh vực siêu hình, tức lãnh vực đạo đức, hành vi của ta hoàn toàn do lý trí quyết định, và hành vi quyết định này có trước những điều kiện ta sẽ đặt ra trong thiên nhiên để thực hiện những sự mà lương tâm dạy ta phải làm.

Nơi đầy Kant lại đưa ra một sự khác biệt nữa giữa những châm ngôn (maximes) tức tôn chỉ thực tiễn một bên, và quy luật đạo đức (loi morale) một bên. Những châm ngôn thường đúc kết bởi kinh nghiệm bản thân và luôn nhắm một lợi ích cụ thể, nhân đó chúng đáng gọi là những lời khuyên hơn là những mệnh lệnh [224]. Những châm ngôn do đấy không có tính chất cưỡng bách như những mệnh lệnh. Thế rồi Kant lại chia mệnh lệnh làm hai loại: những mệnh lệnh giả tỉ (impératiís hypothétique) và những mệnh lệnh nhất thiết (impératifs catégoriques). Những mệnh lệnh giả tỉ được diễn tả như sau: Nếu anh muốn hạnh phúc, thì anh phải làm điều này. Nếu anh muốn lợi ích đó, thì anh phải thực hiện điều này. Như vậy, các mệnh lệnh này để tùy ý ta, muốn được thì gắng luôn luôn, không muốn thì thôi. Không có sự cưỡng bách. Trái lại những mệnh lệnh nhất thiết không có hứa điều lợi ích nào hết, đồng thời có tính chất cưỡng bách tuyệt đối. “Những mệnh lệnh nhất thiết thì trực tiếp khiến ta phải hành động như thế này thế kia mà không kèm theo điều kiện hễ ta hành động như thế thì sẽ được mục tiêu này mục tiêu kia” [225].

Càng đi sâu vào triết học Kant, ta càng tháy sự phân loại của ông đối với các hiện tượng của lãnh vực thực nghiệm một bên, và công việc xác định các hành vi siêu hình của lý trí một bên: nơi cả hai lãnh vực, ta cùng thấy tri thức có đủ tính chất tiên nghiệm cùng với hai đặc tính là phổ quát và tất yếu. về tri thức thực nghiệm, ta đã thấy ông trình bày đầy đủ nơi cuốn Phê bình lý trí thuần túy. Còn đối với tri thức siêu hình, tức tri thức đạo đức, ta cũng đã thấy ông nhấn mạnh vào hai đặc tính tiên thiên và phổ thông nơi tâm trí bình dân. Nhận định về sự song song này, giáo sư Alquié viết “Hai cuốn Phê bình cùng nhắm trả lời những câu hỏi về sự kiện có những phán đoán tổng hợp tiên thiên không một trong lãnh vực thực nghiệm và một trong lãnh vực siêu hình? Và tôi đã lưu ý các bạn là, ngay ở khởi điểm, hai cuốn Phê bình cùng có một tình trạng như nhau.... Theo nghĩa này, Kant không hoài nghi về sự hiện hữu của phán đoán đạo đức, cũng như ông không hoài nghi về sự có những phán đoán khoa học. Vậy thì có khoa học, và cũng có đạo đức học” [226].

Bây giờ chỉ còn một vấn đề nữa thôi, vấn đề cuối cùng được đặt ra trong cuốn “Những nền tảng của khoa siêu hình học về luân thường”, đó là: Làm sao lại có thể có những mệnh lệnh tuyệt đối như thế trong lãnh vực đạo đức? Và để tránh ngộ nhận, Kant giải thích ngay: đây không có ý tìm xem ta phải thực hiện thế nào những việc mà ý thức đạo đức truyền ta làm, nhưng chủ đích sự nghiên cứu đây là tìm hiểu làm sao những mệnh lệnh kia lại có quyền cưỡng bách ý chí ta một cách tuyệt đối như vậy [227].

Kant không đưa ra những lời giải đáp trực tiếp, nhưng bắt đầu bằng sự nghiên cứu ba loại mệnh lệnh: những luật lệ của khôn khéo (les règles de 1’habileté), - những khuyến dụ của khôn ngoan (les consỉels de

la prudence) và sau hết là những lệnh truyền của đạo đức (les ordes de la morale).

Sự cưỡng bách của những luật lệ của khôn khéo thì phát xuất từ lý trí, nhưng chúng nhắm một lợi ích cụ thể. Người ta có thể diễn tả loại này như sau: “Ai muốn đạt tới mục đích thì cũng phải dùng những phương tiện khả dĩ đưa tới mục đích đó”. Như vậy lệnh truyền của khôn khéo có tính chất giả tỉ: anh muốn được thế thì anh hãy làm đi, còn không muốn thì thôi. Kant còn nói những phán đoán loại này phân tích, theo nghĩa trong quan niệm tôi có về những ích lợi tôi ước muốn, đã có hàm chứa quan niệm về những gì tôi phải thực hành để đạt tới. Cho nên tuy quan niệm về mục tiêu theo đuổi và quan niệm về phương tiện phải áp dụng là hai quan niệm khác nhau, và tôi chỉ đạt tới quan niệm về phương tiện do một mệnh đề tổng hợp, nhưng chính mệnh đề “ phải áp dụng phương tiện thích nghi thì mới đạt được mục tiêu” lại là một mệnh đề phân tích [228].

Kế đến là những khuyến dụ của khôn ngoan. Khôn ngoan dẫn ta tới hạnh phúc cũng như khôn khéo dẫn tới lợi ích và thịnh đạt. Nhân đó những lời dạy của khôn ngoan cũng thuộc loại phân tích và cũng mặc một hình thức như lời dạy của khôn khéo: “Ai muốn đạt mục tiêu thì phải dùng những phương tiện thích ứng”. Khác một điểm là khôn khéo thì hướng ta tới những mục tiêu rõ ràng và trực tiếp, những lợi ích cụ thể nào đó, còn khôn ngoan thì dẫn ta tới hạnh phúc, mà hạnh phúc là một quan niệm khá hàm hồ, cho nên khó mà biết phải làm gì để được hạnh phúc. “Quan niệm hạnh phúc rất là bất định, đến nỗi ai cũng muốn hạnh phúc, mà chẳng ai có thể nói mà không tự mâu thuẫn về cái mình ước ao và muốn thực sự” [229]. Vì không rõ ràng như thế, các lời truyền của khôn ngoan chỉ nên được coi là những khuyến dụ thôi, chưa phải là những mệnh lệnh đích thực. Và Kant kết luận: “Cả hai loại trên đều truyền dạy những phương tiện phải dùng để đạt tối những hậu quả được coi là mục tiêu, tức loại những lệnh truyền dạy ai muốn được thế thì làm: bởi vậy cả hai loại cùng có tính cách phân tích” [230].

Chúng ta không thắc mắc gì bản chất hai loại mệnh lệnh trên đâu của khôn khéo và khôn ngoan: chúng nằm trong lãnh vực thường nghiệm. Chỉ những mệnh lệnh của ý thức đạo đức là khó giải thích, mặc dầu mỗi người chúng ta vẫn thường hành động theo những mệnh lệnh này. Khó giải thích vì chúng có tính cách cưỡng bách tuyệt đối, đồng thời lại không cho phép ta nhìn vào những lợi ích cụ thể và lấy đó làm mục tiêu hành vi. Vậy phải giải thích làm sao? Trước hết không thể có cái gì đáng gọi là tuyệt đối ở trần gian này.

Trần gian là lãnh vực của nguyên lý nhân quả, cho nên mọi sự trong thiên nhiên đều theo nguyên tắc: “Anh muốn ăn quả thì phải trồng cây. Anh muốn được thế này thì phải làm thế kia”. Như vậy các việc trần gian xem ra đều theo những mệnh lệnh giả tỉ. Chẳng hạn những mệnh lệnh như “Anh đừng lừa dối”: coi như mệnh lệnh này tuyệt đối lắm, nhưng nhìn kỹ ta có thể phân tích nó như sau: “Anh đừng lừa dối, kẻo mất tín nhiệm”, như vậy thực sự có pha những mục tiêu cụ thể và kinh nghiệm cá nhân trong mệnh lệnh rồi. Đã thế, mệnh lệnh sẽ mất tính chất thuần túy và mất luôn tính cách tuyệt đối. Tại sao? Tại vì nếu để cho tình cảm có tiếng nói trong sự quyết định những hành vi đạo đức, thì dầu ta bảo mình chỉ hành động theo ý thức đạo đức, “nhưng biết đâu ta không hành động vì sợ mất thể diện hoặc vì sợ những nguy hại khác có thể xảy ra” [231].

Tóm lại, đế’ bảo toàn tính chất hoàn toàn ngay chính và tính cách cưỡng bách tuyệt đối của những mệnh lệnh đạo đức, “ta không được dựa vào một kinh nghiệm nào, hoặc một gương sáng nào” [232] nhưng chỉ có thể dựa một cách tiên thiên vào lý trí thực hành. Để chứng minh điều này, Kant đưa ra hai nhận định: một là chỉ những mệnh lệnh tuyệt đối của ý thức đạo đức có tính cách quy luật thực hành (loi pratique), còn các mệnh lệnh khác chỉ nên được coi là những nguyên tắc (principes) thôi, chứ không phải là quy luật của ý chí. Gọi chúng là “nguyên tắc” vì chúng được coi là những tôn chỉ hành động, nếu thực sự ta muốn hành động để đạt những mục tiêu kia, còn không muốn thì chúng không có quyền bắt ta làm. Còn những mệnh lệnh của ý thức thì luôn có tính cách tuyệt đối, nghĩa là nhất thiết ta phải làm, chứ không để tùy ý ta làm hay không làm cũng được. Và đó là ý nghĩa thâm thúy của danh từ “bổn phận” trong khoa đạo đức học: bổn phận có nghĩa là phải làm (devoir). — Nhận định thứ hai: sức cưỡng bách của mệnh lệnh đạo đức không bắt nguồn từ những kinh nghiệm, hoặc từ những biểu tượng ta có về những mục tiêu lợi ích, vì như ta đã thấy, mục tiêu lợi ích làm cho các mệnh lệnh trở thành giả tỉ. Vậy chúng bắt nguồn từ đâu? Từ lý trí thực hành, cho nên Kant gọi những mệnh lệnh đạo đức là “những mệnh đề tổng hợp tiên thiên của lý trí thực hành” (1). Và ông bàn về tính chất tổng hợp tiên thiên đó như sau: “Ta thử tìm xem quan niệm về mệnh lệnh tuyệt đối có cho ta một công thức về lệnh truyền tuyệt đối đó không, nghĩa là một công thức nói lên cái lệnh truyền nhất thiết không? Khi ta quan niệm những mệnh lệnh giả tỉ nói chung, ta không thể biết trước những mệnh lệnh đó bao hàm cái gì, và ta chỉ biết sau khi nhận được điều kiện thôi. Trái lại, thoạt khi tôi quan niệm một mệnh lệnh tuyệt đối, lập tức tôi biết nó bao hàm cái gì: bởi vì mệnh lệnh đạo đức chỉ bao hàm quy luật đạo đức và tính cách bắt buộc tôn chỉ hành động của tôi phải hợp với quy luật đó: vì quy luật này không lệ thuộc vào một điều kiện nào hết, nên ta chỉ còn thấy tính cách phổ thông của nó và sự

hành động của ta phải am hợp với nó: chính mệnh lệnh cho thấy sự am hợp này là nhất thiết” [233].

Câu trên đây của Kant đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình giải thích quan điểm đạo đức học của ông: ông cho thấy tại sao những mệnh lệnh đạo đức, và chỉ riêng những mệnh lệnh đạo đức có tính cách của những mệnh đề tổng hợp tiên thiên. Như ta biết, nơi bộ danh từ của ông, tổng hợp tiên thiên có nghĩa đó là những thực tại mà ta có thể biết một cách chắc chắn ngay trước khi kinh nghiệm. Ý nghĩa này rất đúng với trường hợp những mệnh lệnh đạo đức: khi ta quan niệm một hành vi đạo đức thì cũng là khi ta nhận thấy rằng đó là hành động ta phải thực hiện (Kant gọi đó là quy luật thực hành): ta có thực hành mệnh lệnh của ý thức đạo đức, thì ta mới hợp lý với mình, bởi vì ta quan niệm đó là một việc phải làm (devoir).

Mệnh lệnh đạo đức được nói lên trong lương tâm ta thế nào? Ai cũng biết câu then chốt của Kant, vì câu này diễn tả mệnh lệnh đạo đức trong đời sống của ta: “Anh phải luôn hành động làm sao để có thể muốn thấy tôn chỉ hành động của anh trở thành quy luật phổ thông cho mọi người” [234]. Sau này, khi soạn cuốn Phê bình lý trí thực hành, ông cũng diễn tả quy luật đạo đức này với một câu gồm những chữ gần giống hệt như thế: “Anh hãy hành động làm sao để tôn chỉ của ý chí anh có thể có giá trị như là một nguyên tắc cho một quy chế phổ thông”[235]. Nếu ta hành động vì bổn phận, nếu tôn chỉ hành động của ta là hành động theo lý trí và ngay chính, để có thể muốn mọi người cũng hành động như thế, thì hành động của ta, tất phải ngay chính: nó ngay chính vì dựa vào lý trí và có tính cách vô tư tuyệt đối.

[188] Sd, tr.543

[189] Raison pratique, tr.1

[190] Sd, tr. 7 - 8

[191] Raison pure, tr.46

[192] Sd, tr. 21

[193] G.KRUEGER, Critique et morale chez Kant. fr. Beauchesne 1961, tr. 22

[194] J. LACROIX, Kant et le kantisme, tr.20

[195] Raison pratique, tr.131

[196] F. ALQUIE, La Morale de Kant. Centre de Deocumentation universitaữe, tr.2

[197] Fondements, bản dịch Lachelier, Hachetíte 1911, tr.1-2

[198] Sd, tr. 3

[199] Critique de laýacullé de juger, bản dịch A. Philonenko, Vrin 1965, tr.21

[200] Fondements, tr.6

[201] Sd, tr. 11

[202] V. DELBOS, trong cuốn Fondements de la métaqhysique des moeur do ông dịch và chú giải, Delagrave 1964, tr.87

[203] Fondements, tr.12

[204] Fondements, tr.12-13

[205] ALQUIÉ, Sd, tr.16

[206] Raison pure, tr. 557

[207] Fondements, tr.27

[208] ALQUIÉ, Sd, tr. 15

[209] Raison pratique, tr. 31

[210] ALQUIÉ, Sd, tr. 88-89

[211] Fondements, tr.36

[212] Raison pratique, tr. 15

[213] Fondements, tr. 14

[214] Fondements, tr. 15-16

[215] Fondements, tr. 17-19

[216] Raison pratique, tr. 21

[217] G. DELEUZE, La philosophie critique de Kant, tr.38

[218] Raison pure, tr.23

[219] Sd, tr.23

[220] Fondements, tr.38

[221] Fondements, tr.38-39

[222] Fondements, tr.40

[223] Fondements, tr.41

[224] Fondements, tr.49

[225] Fondements, tr.45

[226] F. ALQUIÉ, Sd, tr. l2

[227] Fondements, tr.47

[228] Fondements, tr.47-48

[229] Fondements, tr.48

[230] Sd, tr. 50

[231] Sd, tr. 51

[232] Sd, tr. 50

[233] Fondements, tr. 52

[234] Sd, tr. 53

[235] Raison pratique, tr. 30