Добавил:
Опубликованный материал нарушает ваши авторские права? Сообщите нам.
Вуз: Предмет: Файл:
thuvienpdf.comtriet-hoc-kant.pdf
Скачиваний:
94
Добавлен:
12.05.2022
Размер:
2.66 Mб
Скачать

PHẦN THỨ NHẤT SINH HOẠT TRI THỨC CỦA CON NGƯỜI?

Kant được coi là người đầu tiên trong lịch sử loài người đã đứng ra nghiên cứu về khả năng cũng như giới hạn của tri thức con người. Như ông đã nhắc đi nhắc lại, ông không muốn mất thời giờ để phê bình học thuyết này chủ nghĩa kia, cuốn sách này hay khảo luận khác, nhưng ông nhắm phê bình chính công việc và khả năng tri thức của lý trí con người mọi nơi và mọi thời. Ông đã làm công việc này trong cuốn Phê bình lý trí thuần túy. Đây là cuốn đầu trong một bộ ba cuốn Phê bình đúc thành hệ thống triết học Kant. Đây cũng là cuốn sách dày nhất và khó hiểu nhất. Phải chăng vì thế nhiều người đã dừng lại ở đây, không đi xa hơn được nữa để cùng với Kant nhìn xem toàn hệ thống ? Phải chăng vì thế người ta đã vội coi cuốn Phê bình lý trí thuần túy là tất cả triết học Kant ? và rồi quả quyết rằng, đối với Kant, không thể có khoa Siêu hình học.

Thực ra, nếu dừng lại nơi cuốn Phê bình lý trí thuần túy này, người ta rất có thể có cảm tưởng rằng không thể có khoa Siêu hình học, bởi vì chủ ý của Kant trong cuốn này là chứng minh rằng không thể có khoa Siêu hình học theo kiểu một khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên người ta quên rằng, đối với Kant, cuốn Phê bình lý trí thuần túy mới chỉ là dự bị dẫn vào triết học của ông thôi. Chính cuốn Phê bình lý trí thực hành mới là trung tâm và then chốt, và nơi đó Kant đã xây dựng khoa Siêu hình học trên những nền tảng mới.

Sinh hoạt tri thức là phần sinh hoạt quan trọng trong đời sống con người. Nhưng con người có khả năng tri thức tất cả mọi sự không ? Bởi vậy Kant mời ta đọc cuốn Phê bình thứ nhất của ông với tinh thần thận trọng của ông. Ông viết: “Lý trí cần phải lo tính công việc khó khăn hơn cả là tự biết mình, thiết lập một tòa án để bảo đảm những yêu sách chính đáng cũng như để lên án những chiếm đoạt vô bằng của lý trí, và không thực thi công việc này một cách tự nhiên, nhưng là chiếu cố những định luật ngàn đời và bất di bất dịch. Tòa án đó chính là cuốn Phê bình lý trí thuần túy này vậy. Tôi không có ý phê bình những sách vở hoặc những hệ thống tư tưởng, nhưng nhắm phê bình chính khả năng tri thức của lý trí nói chung, xem lý trí có thể đạt tới những tri thức nào, bất kể nó dùng đến thứ kinh nghiệm nào: làm thế để giải quyết vấn đề có thể hay không có thể có một khoa Siêu hình học nói chung, và xác định nguồn gốc, phạm vi cùng là giới hạn của lý trí. Và phải làm tất cả những công việc này theo đúng nguyên tắc” [24]. Kant đã nói rõ chủ đích của ông như thế khi xuất bản lần thứ nhất cuốn Phế bình lý trí thuần túy. Cũng như Descartes, ông muốn đi ngay vào chính sự, mà chính sự không phải là học thuyết này hay chủ nghĩa kia, nhưng là chính lý trí con người xét như đó là nguồn gốc mọi học thuyết và chủ nghĩa. Cho nên vấn đề Kant muốn giải quyết là: theo khả năng tri thức của con người, thì có thể có khoa siêu hình học không? Nghĩa là con người có tri thức về những thực tại siêu hình như linh hồn và Thượng Đế không ?

Khi tái bản cuốn Phê bình này, Kant còn viết rõ hơn về ý định của ông khi soạn cuốn sách vĩ đại này: “Cuốn Phê bình lý trí thuần túy chỉ là một biên khảo về phương pháp luận, chứ không phải một hệ thống khoa học. Tuy nhiên nó cũng vạch ra tất cả phạm vi của lý trí, xét về phương diện cơ cấu nội tại và giới hạn của lý trí, bởi vì lý trí lý thuyết thuần túy có đặc tính này là có thể và phải đo lường cho đúng cái khả năng của mình theo những cách thế nó đã chọn đối tượng tri thức của nó: như vậy lý trí có thể kê khai tất cả những cách đặt vấn đề, đồng thời nó có thể tự vạch ra một kế hoạch về một hệ thống siêu hình học” [25]. Không thể nào nói rõ hơn: ý định của Kant là dùng cuốn Phê bình lý trí thuần túy như một phương pháp luận để tìm ra câu trả lời cho vấn đề có thể có khoa Siêu hình học không, và nếu có thì khoa đó sẽ phải như thế nào.

Ý định của Kant là một ý định thành thực, và ông đã thành tâm theo đuổi đến cùng. Cũng vì không nhận ra chủ đích và sự thành tâm của Kant nên có thời người ta đã xếp ông vào loại các triết gia chủ trương thuyết Bất tri (Agnosticisme) với nghĩa con người không thể biết gì về linh hồn và Thượng Đế. Sự thực ngược lại: Kant đã lần lược dùng phương pháp phê bình để phá đổ cả Duy vật lẫn Duy tâm. Nếu ông chống lại thuyết hoài nghi của Hume, thì ông cũng gắt gao lên án thuyết giáo điều của Wolf. Ông đã trả lại cho tri thức con người cái bản chất riêng của nó: con người không chỉ là thân thể, và tri thức con người không dừng lại ở nấc những tri thức thường nghiệm lẻ tẻ, thiếu nguyên tắc và thiếu chắc chắn, như chủ trương của Hume. Nhưng con người cũng không phải “chị em của chư thần” như chủ trương của Platon, hoặc là “tinh thần thuần túy” như chủ trương của Descartes. Kant là triết gia đầu tiên đã phân biệt rõ ràng thế nào là tri thức và thế nào là suy tưởng. Ông còn là người phân biệt rõ ràng giữa hai loại tri thức của con người: tri thức thường nghiệm và tri thức thực nghiệm, tri thức vụn vặt của người đường phố và tri thức chứng minh của nhà bác học. Tóm lại trong khi Descartes lẫn lộn tri thức với quan niệm, và Hume còn đồng hóa tri thức với cảm giác, thì Kant quả quyết: tri thức con người phải luôn luôn có đủ hai yếu tố quan niệm và cảm giác. Thiếu cảm giác, những quan niệm của ta chỉ là quan niệm rỗng tuếch, không đáng gọi là tri thức ; và thiếu quan niệm, thì những cảm giác của ta sẽ chỉ là những cảm giác mù, nghĩa là cảm giác mà không biết

là cảm giác gì [26]. Tóm lại, con người không có tri thức của chư thần, nên khi thiếu cảm giác, tức tri giác giác quan, những quan niệm của ta không thể gọi là tri thức, nhưng chỉ là những ý tưởng suông, thí dụ ý tưởng về một hình vạn giác. Ngược lại, ta cũng không thể có những cảm giác thuần túy, nghĩa là những cảm giác mà không rõ là cảm giác gì: Kant gọi mỉa mai đó là những cảm giác mù tịt. Như vậy tri thức con người đứng vào giữa hai thứ đó, giữa tri thức thần linh của chư thần, một tri thức không nhờ đến cảm giác, và cảm giác thuần túy không kèm theo tri thức như ta có thể thấy nơi súc vật. Với cái tri thức lưỡng diện đó, vừa là quan niệm vừa là cảm giác, con người có thể có khoa Siêu hình học được không ?

Kant đã trả lời ta trong cuốn Phê bình lý trí thuần túy. Đại để ông đã nêu lên và giải quyết 3 vấn đề sau đây trong đó có một vấn đề dự bị và hai vấn đề chính yếu: 1. Thế nào là một tri thức khoa học đích thực? 2. Khả năng và cơ cấu của tri thức con người, 3. Giới hạn của tri thức con người.

[24] Raison pure, tr. 7

[25] Raison pure, tr. 21

[26] Raison pure, tr. 77